Nhà đầu tư coi chừng ôm hận khi mua đất phân lô đặt cọc đến 90%

1096 Lượt xem Cập nhật ngày: 3 Tháng Tám, 2021

HoREA nhận định, do sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật đã dẫn đến việc chủ đầu tư nhận tiền “đặt cọc” quá nhiều, thậm chí có trường hợp nhận đến hơn 90% giá trị nền nhà, gây ra rủi ro và thiệt hại cho khách hàng và dẫn đến phát sinh lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng trên thị trường bất động sản trong thời gian qua.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý dự thảo thông tư về phát triển, quản lý nhà ở.

Lãnh đạo HoREA cho biết, trong các năm qua, hoạt động huy động vốn tại một số dự án “phân lô bán nền hình thành trong tương lai” thông qua hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh, hoặc hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, thậm chí có trường hợp bên huy động vốn chỉ lập phiếu thu “đặt cọc” giữ chỗ, hoặc biên bản “đặt cọc” có xác nhận của thừa phát lại, có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng đang là vấn nạn, rất bức xúc cần được bổ sung các quy định để kiểm soát, quản lý chặt chẽ.

Nhà đầu tư coi chừng ôm hận khi mua đất phân lô đặt cọc đến 90%

 

Theo HoREA, do sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật đã dẫn đến việc chủ đầu tư nhận tiền “đặt cọc” quá nhiều, thậm chí có trường hợp nhận đến hơn 90% giá trị nền nhà, gây ra rủi ro và thiệt hại cho khách hàng. Ảnh minh họa.

Trong khi, Bộ Luật Dân sự không quy định giới hạn của giá trị “đặt cọc” do hai bên thỏa thuận, cũng không quy định việc “đặt cọc” phải tuân thủ theo quy định của pháp luật liên quan, như việc “đặt cọc” mua bán bất động sản (nhà, nền nhà…) hình thành trong tương lai phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Cùng với đó, chế định thừa phát lại chưa được luật hoá, mới chỉ thực hiện thí điểm, nhưng đã bộc lộ một số sơ hở, bất cập, thể hiện trong việc lập vi bằng thừa phát lại đối với hành vi giao nhận tiền đặt cọc trong giao dịch phân lô bán nền, gây nhầm lẫn cho khách hàng,

Ngoài ra, do sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật đã dẫn đến việc chủ đầu tư nhận tiền “đặt cọc” quá nhiều, thậm chí có trường hợp nhận đến hơn 90% giá trị nền nhà, gây ra rủi ro và thiệt hại cho khách hàng và dẫn đến phát sinh lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng trên thị trường bất động sản trong thời gian qua.

Do vậy, lãnh đạo HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét hướng dẫn về huy động vốn đối với hoạt động kinh doanh bất động sản dưới hình thức phân lô bán nền khi xem xét sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Nghị định 76/2015/NĐ-CP, đồng thời xem xét sửa đổi đồng bộ các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và chế định về thừa phát lại.

Như Tiền Phong thông tin, thời gian qua nhiều dự án nhà ở, dự án khu đô thị tiến hành phân lô, bán nền để huy động vốn của khách hàng bằng hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên, đến hẹn chủ đầu tư không bàn giao nền đất như cam kết dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.Nhiều khách hàng mua nền đất dự án King Bay, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) tố chủ đầu tư vi phạm Luật Kinh doanh bất động, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của khách hàng thông qua Hợp đồng đặt cọc về việc hứa mua hứa bán nhà ở hình thành các nền đất tại dự án.

Nhà đầu tư coi chừng ôm hận khi mua đất phân lô đặt cọc đến 90%

Có thể kể đến như việc mới đây hàng trăm khách hàng có đơn khiếu nại, kiến nghị liên quan đến dự án Khu dân cư 125ha xã Long Tân (tên thương mại là King Bay), huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) do Công ty CP Free Land làm chủ đầu tư. Các khách hàng tố cáo doanh nghiệp này vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản và có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân.

Cụ thể, các đơn của công dân có nội dung tố cáo Công ty CP Free Land do bà Vũ Minh Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật của công ty vi phạm các điều cấm của Luật kinh doanh bất động sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của các công dân thông qua Hợp đồng đặt cọc về việc hứa mua hứa bán nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án King Bay; quá thời hạn nhưng Công ty Free Land không thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Các công dân nêu căn cứ chứng minh hành vi lừa dối khách hàng của Công ty Free Land như không cung cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng các lô đất đã bán, chưa được cơ quan Nhà nước chấp thuận các hồ sơ pháp lý để bán nhà hình thành trong tương lai, ép buộc người mua ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai để thu tiền của khách hàng khi chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản, đưa các thông tin sai sự thật về dự án để chào bán và ký hợp đồng mua bán nhà trái pháp luật.

Hay việc nhiều khách hàng mới đây có đơn “tố” Công ty TNHH Đầu tư Đô thị Phổ Yên – chủ đầu tư dự án Khu dân cư Đông Tây (tỉnh Thái Nguyên) dù biết trước dự án sẽ bị thu hồi quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng vẫn chào mời khách hàng đầu tư mua đất để lừa đảo, huy động vốn trái phép bằng hình thức góp vốn…

Theo Ninh Phan

Tiền Phong

Đánh giá
Bình luận của bạn